Du lịch thế giới tiếp đà phục hồi trong năm 2023

Bất chấp những khó khăn kinh tế và tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, ngành du lịch toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục hướng tới sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023.

Nhu cầu du lịch quốc tế tiếp tục tăng mạnh

Theo dự báo của Economist Intelligence Unit (EIU), sau khi đã ghi nhận mức tăng 60% trong năm 2022, lượng khách du lịch toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng 30% trong năm 2023,.dù vẫn chưa thể quay trở về mức trước đại dịch COVID-19. Sự giảm tốc của các nền kinh tế, căng thẳng địa chính trị và những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Trung Quốc sẽ là những yếu tố làm chậm đà phục hồi của ngành.  

Ana Nicholls, Giám đốc Phân tích ngành du lịch của EIU nhận định, “Ngành công nghiệp du lịch đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, và chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2023, đặc biệt là khi Trung Quốc dỡ bỏ các chính sách chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt”.

Economist Intelligence Unit dự báo lượng du khách toàn cầu sẽ tăng trưởng 30% trong năm 2023 (Nguồn: Reuters)
Economist Intelligence Unit dự báo lượng du khách toàn cầu sẽ tăng trưởng 30% trong năm 2023 (Nguồn: Reuters)

Cũng theo bà Ana, tốc độ phục hồi của ngành du lịch sẽ có sự khác biệt tùy vào từng khu vực. Khu vực Trung Đông đã phục hồi hoàn toàn, trong khi Đông Âu sẽ phải đợi đến năm 2025, do tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine. Các khu vực khác được kỳ vọng sẽ phục hồi hoàn toàn trong năm 2024.  

Skyscanner – công ty nghiên cứu về thị trường du lịch có trụ sở tại Vương quốc Anh cũng dự báo, ngành du lịch toàn cầu đang hướng tới một triển vọng tích cực trong năm 2023. Cuộc khảo sát được hãng thực hiện với 11 nghìn khách du lịch tại 10 quốc gia cho thấy, 45% số người được hỏi cho biết có dự định đi du lịch nhiều hơn.

Thị trường Trung Đông được coi là nơi ngành công nghiệp du lịch phục hồi nhanh hơn cả (Nguồn: Reuters)
Thị trường Trung Đông được coi là nơi ngành công nghiệp du lịch phục hồi nhanh hơn cả (Nguồn: Reuters)

Ông Hugh Aitken – Phó chủ tịch Skyscanner nhận định: “Năm 2022 không chỉ đánh dấu sự trở lại mức năm 2019 của nhu cầu đi lại ở nhiều nơi trên thế giới, mà còn cho thấy khả năng phục hồi của ngành. Du khách đã thể hiện mong muốn đi du lịch khi các tuyến đường bay dần được nối lại. Bất chấp những áp lực kinh tế toàn cầu hiện nay, vẫn có lý do để lạc quan một cách thận trọng vào năm 2023 khi du lịch quốc tế tiếp tục trỗi dậy và khách du lịch cho thấy họ muốn đi lại nhiều hơn”.

Một trong những động lực quan trọng nhất sẽ đến từ thị trường Mỹ, nơi người dân sẵn sàng đi du lịch nước ngoài một cách rầm rộ trong năm 2023 để bù đắp cho quãng thời gian phải ở nhà vì dịch bệnh. Jessica Griscavage, Cố vấn du lịch và Giám đốc điều hành của Runway Travel cho biết: “Có rất nhiều nhu cầu đi lại đã bị dồn nén. Người dân Mỹ đã bỏ lỡ nhiều chuyến du lịch trong vòng hai, ba năm qua”.

Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 11 của công ty nghiên cứu thị trường du lịch Destination Analysts, 31% người Mỹ quan tâm đến du lịch quốc tế hơn là du lịch nội địa, tăng 6 điểm % so với tháng Hai và là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Số lượt tìm kiếm trên nền tảng của Kayak cho các chuyến bay quốc tế cũng đã tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượt tìm kiếm các chuyến bay nội địa lại giảm 13%.

Trong khi đó, một báo cáo gần đây của Hopper cũng cho thấy, 62% lượt tìm kiếm chuyến bay năm 2023 của người Mỹ trong tuần đầu tiên của tháng 12 là dành cho các điểm đến quốc tế, tăng đáng kể so với mức 55% cùng kỳ năm ngoái. Công ty này nhận định, du lịch quốc tế là một trong số ba xu hướng hàng đầu của năm 2023, và hiện đã sẵn sàng cho một sự trở lại mạnh mẽ.

Theo CNBC, việc đồng USD vẫn tương đối mạnh so với các loại tiền tệ khác và các hãng hàng không đang không ngừng bổ sung các tuyến bay quốc tế mới, cũng góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch quốc tế. Erin Florio – biên tập viên của trang mạng du lịch Conde Nast Traveler nhận định: “Ngành du lịch quốc tế đang hướng tới sự phát triển vượt bậc trong năm tới”.

Sự mạnh lên của đồng USD là một trong những yếu tố thúc đẩy người Mỹ đi du lịch nước ngoài (Nguồn: Reuters)
Sự mạnh lên của đồng USD là một trong những yếu tố thúc đẩy người Mỹ đi du lịch nước ngoài (Nguồn: Reuters)

Nhu cầu du lịch tăng mạnh cũng sẽ là cú hích lớn cho ngành hàng không. Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), hàng không toàn cầu sẽ có lãi trở lại trong năm 2023, khi số lượng hành khách đi máy bay đạt 4,2 tỷ lượt, bằng 85,5% mức của năm 2019. Tổng doanh thu của ngành hàng không toàn cầu dự kiến đạt 779 tỷ USD trong năm 2023, với tổng lợi nhuận đạt 4,7 tỷ USD.

Khách du lịch sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn

Theo công ty du lịch Hopper, các chuyến du lịch sẽ có chi phí đắt đỏ hơn trong năm 2023, ngay cả khi có những dấu hiệu cho thấy lạm phát tiêu dùng đã đạt đỉnh tại nhiều nước, và giá vé máy bay, khách sạn, thuê ô tô đang có xu hướng giảm nhẹ trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, bất chấp áp lực này, tâm lý mong muốn đi du lịch vẫn sẽ lấn át nỗi lo kinh tế, khuyến khích người tiêu dùng mở rộng hầu bao.

“Tình hình kinh tế hiện tại và giá cả đắt đỏ hơn sẽ không thể ngăn cản người dân chi tiền cho các chuyến đi,” Nitya Chambers, Phó chủ tịch nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet nhận định. “Mọi người đã ở nhà quá lâu và muốn thay đổi bầu không khí”.

Áp lực lạm phát và kinh tế giảm tốc chưa thể ngăn người dân chi tiền cho các chuyến du lịch (Nguồn: Reuters)
Áp lực lạm phát và kinh tế giảm tốc chưa thể ngăn người dân chi tiền cho các chuyến du lịch (Nguồn: Reuters)

Skyscanner cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho biết, có tới 41% số du khách tham gia khảo sát của hãng, có dự định chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến đi trong năm tới. Còn theo công ty nghiên cứu thị trường độc lập Euromonitor International, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế, số tiền mà khách du lịch dự kiến sẽ chi ra trên toàn cầu sẽ vượt ngưỡng 1.400 tỷ USD trong năm 2023. Theo bà Nadejda Popova, Giám đốc dự án cấp cao của Euromonitor International, hoạt động du lịch quốc tế dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 40%. Lạm phát tăng cao và những bất ổn kinh tế kéo dài có thể phần nào ảnh hưởng đến đà phục hồi của ngành và sở thích của khách du lịch, nhưng sẽ không tạo ra những tác động quá nghiêm trọng.

Các du khách giàu có sẵn sàng chi trả thêm 20% chi phí cho những kỳ nghỉ mang tính bền vững, an toàn (Nguồn: Bloomberg)
Các du khách giàu có sẵn sàng chi trả thêm 20% chi phí cho những kỳ nghỉ mang tính bền vững, an toàn (Nguồn: Bloomberg)

Nhóm du khách giàu có được dự báo sẽ hào hứng với các chuyến đi hơn cả. Bloomberg trích dẫn một báo cáo tại Triển lãm du lịch hạng sang quốc tế cho thấy, khoảng 60% nhóm du khách giàu có dự định chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến đi trong năm 2023. Ở chiều ngược lại, chỉ 10% số người được hỏi cho biết sẽ cắt giảm chi tiêu. Sức khỏe và an toàn vẫn là những ưu tiên hàng đầu của các du khách trong việc lựa chọn điểm đến. Hơn một nửa số du khách giàu có cho biết, sẵn sàng chi trả thêm 20% chi phí, để có được những kỳ nghỉ mang tính bền vững.

Tiềm năng to lớn khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Những kỳ vọng lớn nhất của ngành du lịch thế giới sẽ được đặt vào Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thông báo của chính phủ nước này về việc dỡ bỏ biện pháp cách ly người nhập cảnh từ ngày 8/1/2023, đồng nghĩa với việc các doanh nhân và khách du lịch có thể quay trở lại Trung Quốc – quốc gia gần như đã đóng cửa với thế giới bên ngoài kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi năm 2020.

Điều này cũng sẽ giúp những du khách Trung Quốc – từng đóng góp tới 255 tỷ USD mỗi năm cho ngành công nghiệp du lịch toàn cầu, có thể ra nước ngoài dễ dàng hơn. Dữ liệu từ nền tảng du lịch Ctrip cho thấy, chỉ trong vòng nửa giờ sau khi thông báo nới lỏng chính sách nhập cảnh được đưa ra, số lượt tìm kiếm các địa điểm du lịch nước ngoài phổ biến đã tăng gấp 10 lần. Nền tảng Qunar cũng thông báo đã ghi nhận số lượt tìm kiếm chuyến bay quốc tế tăng gấp 7 lần chỉ trong vòng 15 phút.

Theo Reuters, các điểm nóng du lịch tại châu Á như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc hay Nhật Bản được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự phục hồi bùng nổ, nhờ sự quay lại của du khách Trung Quốc – nguồn khách du lịch nước ngoài lớn nhất. Trước đại dịch, du khách Trung Quốc đã chiếm khoảng 1/3 tổng số khách nước ngoài tới Nhật Bản, Hàn Quốc và khoảng 1/4 lượng du khách tới Thái Lan.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, từ hàng không, vận tải cho tới khách sạn lưu trú đều đang tất bật chuẩn bị cho sự trở lại quan trọng này. Hãng hàng không Malaysia Airlines cho biết họ hy vọng sẽ khôi phục các chuyến bay với Trung Quốc về mức trước đại dịch vào tháng 6/2023, trong khi Korean Air dự kiến sẽ tăng các chuyến bay giữa Hàn Quốc và Trung Quốc từ 9 chuyến/tuần lên 15 chuyến vào giữa tháng 1 tới.

Trước đại dịch COVID-19, các du khách Trung Quốc mỗi năm chi tiêu 255 tỷ USD cho du lịch toàn cầu (Nguồn: Bangkok Post)
Trước đại dịch COVID-19, các du khách Trung Quốc mỗi năm chi tiêu 255 tỷ USD cho du lịch toàn cầu (Nguồn: Bangkok Post)

Tại Nhật Bản, công ty xe buýt du lịch Hato Bus cho biết vào tháng tới, họ sẽ thử nghiệm các chương trình du lịch nói tiếng Trung Quốc vốn đã bị tạm dừng trong thời kỳ đại dịch. Theo phát ngôn viên của hãng, công ty đặt mục tiêu nối lại hoàn toàn kế hoạch này vào mùa xuân.

Ông Cavaliere Giovanni Viterale – Tổng giám đốc khách sạn Sofitel Sentosa ở Singapore cho biết, doanh nghiệp của ông đang thiết kế các gói dịch vụ Tết Nguyên đán nhắm tới khách du lịch Trung Quốc, bao gồm tiệc buffet lẩu và các gói dành riêng cho cặp đôi, theo. Doanh nghiệp này tin tưởng, sự phục hồi của ngành du lịch Singapore sẽ đi liền với xu hướng du lịch “phục thù” của các du khách Trung Quốc, sau quãng thời gian dài không thể ra nước ngoài.  

“Không phải nghi ngờ gì về việc du khách Trung Quốc đại lục sẽ là chất xúc tác cho sự phục hồi du lịch của Thái Lan”, ông Bill Barnett – Giám đốc điều hành công ty tư vấn khách sạn C9 Hotelworks nhận định. “Vấn đề không phải là điều này có xảy ra hay không, mà là con số bao nhiêu và tốc độ diễn ra nhanh như thế nào”.

Các thị trường Mỹ và châu Âu cũng đang theo dõi tình hình với nhiều kỳ vọng. Hãng hàng không United Airlines của Mỹ cho biết đang đánh giá nhu cầu thị trường và các điều kiện cần thiết để xác định thời điểm nối lại những chuyến bay bổ sung tới Trung Quốc đại lục. Hãng hàng không Đức Lufthansa cũng đang xem xét điều chỉnh lịch bay tới Trung Quốc.

Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, sẽ phải mất một thời gian nhất định trước khi khách du lịch Trung Quốc – nguồn thu nhập từ du lịch lớn nhất của thế giới trước đại dịch, thực sự quay trở lại. Việc số ca lây nhiễm COVID-19 gia tăng sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách phòng dịch đã khiến nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản… cảm thấy lo ngại, và áp đặt các biện pháp hạn chế đối với du khách tới từ nước này.

Các du khách Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những biện pháp hạn chế tại một số quốc gia (Nguồn: Reuters)
Các du khách Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những biện pháp hạn chế tại một số quốc gia (Nguồn: Reuters)

Liu Simin – một quan chức về du lịch tại Hiệp hội Nghiên cứu Tương lai Trung Quốc dự báo, làn sóng dịch COVID-19 hiện tại chính là yếu tố ngăn cản kế hoạch du lịch của nhiều người, và ngành du lịch quốc tế của nước này sẽ phải chờ đến năm 2024 để có thể phục hồi về mức trước đại dịch. Bên cạnh đó, chi phí cũng là một trở ngại đáng kể. “Mọi người cần thời gian để lấy lại niềm tin, sau khi rất nhiều người mất việc hoặc kiếm được ít tiền hơn trong đại dịch”, ông Liu nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *