Ồ ạt rao bán khách sạn và kêu cứu!

Kinh doanh thua lỗ, không cầm cự được trước tác động của dịch COVID-19, nhiều nhiều khách sạn từ vài chục tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng ở khắp các điểm đến du lịch nổi tiếng trên cả nước đồng loạt rao bán. Nhưng trong bối cảnh khó này, không dễ để sang tên.

Bán cả khách sạn gần ngàn tỷ

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình kinh doanh của lĩnh vực dịch vụ lưu trú bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khách quốc tế không có trong khi khách trong nước sụt giảm nặng nề. Từ các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội đến các TP du lịch như Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt…, thị trường khách sạn đối mặt với khủng hoảng vì kinh doanh thua lỗ.

Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tính chung 7 tháng năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,13 triệu lượt khách, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng lúc, thông tin rao bán khách sạn tại Hà Nội ngày một ồ ạt. Từ khách sạn vài chục tỷ đến gần nghìn tỷ đều thi nhau rao bán.

Nằm vị trí vàng trên phố cổ Hà Nội, khách sạn của anh Nguyễn Mạnh ở Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có diện tích 130m2, 8 tầng, 30 phòng. Anh Mạnh chia sẻ: “Trước khi xảy ra dịch bệnh, doanh thu khách sạn khoảng 300 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, vì dịch COVID-19 nên khách sạn hầu như không có khách. Trước đây, khách sạn chỉ phục vụ khách nước ngoài nay cố gắng giảm giá phòng để phục vụ khách trong nước nhưng cũng không ăn thua”.

Theo anh Mạnh, dù có một khách, khách sạn vẫn phải duy trì từng đó nhân viên, thang máy, điện, nước phục vụ cả tòa nhà. “Mỗi tháng, tôi lỗ mấy chục triệu đồng và cố duy trì vài tháng nay. Đến nay cá nhân tôi không cầm cự được nữa nên quyết định đóng cửa khách sạn và rao bán. Giá bán mong muốn là 72 tỷ đồng”, anh Mạnh nói.

Tương tự khách sạn L’Heritage Diamond (Cửa Đông, Hoàn Kiếm) với 12 phòng, 6 tầng được rao bán 66 tỷ đồng; khách sạn 3 sao ở Mã Mây cũng rao bán 34 tỷ đồng; khách sạn Hàng Bè 69 tỷ đồng…

Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tính chung 7 tháng năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,13 triệu lượt khách, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm trước. Cùng lúc, thông tin rao bán khách sạn tại Hà Nội ngày một ồ ạt. Từ khách sạn vài chục tỷ đến gần nghìn tỷ đều thi nhau rao bán.

Chủ khách sạn trên phố Mã Mây tâm sự: “Doanh thu khách sạn chưa có dịch lớn nhưng chi phí lớn. Nếu không có nguồn thu như hiện nay, mỗi tháng, tôi phải gánh cả trăm triệu tiền duy trì khách sạn, trả lương nhân viên và lãi ngân hàng. Nằm mơ tôi không nghĩ có ngày ngành du lịch đóng băng như hiện nay và không biết bao giờ mới kết thúc nên chỉ còn cách bán cắt lỗ”.

Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết thông tin rao bán khách sạn thuộc nhóm khách sạn từ 1 đến 3 sao giá dao động từ vài chục tỷ đồng đến khoảng 200 tỷ đồng tùy vị trí và quy mô khách sạn. Tuy số lượng hiếm hơn nhưng cũng xuất hiện thông tin của một vài khách sạn 4 – 5 sao vị trí ngay trung tâm thành phố rao bán giá khoảng 400 – 800 tỷ đồng. Hầu hết các khách sạn đều cam kết thu nhập từ 80 – 200 triệu đồng/tháng như: khách sạn Atlanta Hà Nội với quy mô 16 tầng trên diện tích 560m2, ở Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng cũng đang rao bán với giá 480 tỷ đồng.

Săn lùng tài sản rẻ

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến thị trường du lịch và khách sạn gần như rơi vào trạng thái “tê liệt” ngủ đông trong suốt nửa đầu năm 2020. Sau nhiều năm liên tục đạt tốc độ tăng trưởng du lịch ấn tượng, Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa trong sáu tháng đầu năm 2020 với mức giảm lần lượt là 56% và 50% so với cùng kỳ năm trước. Với việc Việt Nam tạm dừng các chuyến bay quốc tế kể từ cuối tháng 3, lượng khách quốc tế đến giảm mạnh gần 99% chỉ trong quý 2.

Dịch bệnh bùng phát khiến nhiều kế hoạch du lịch bị trì hoãn và ngành kinh doanh khách sạn vì thế gặp nhiều khó khăn hơn. Theo thống kê, doanh thu trên mỗi phòng trong nửa đầu năm tại thị trường Hà Nội và TPHCM lần lượt giảm khoảng 56% và 64% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu trên mỗi phòng cho cả Việt Nam trong cùng kỳ ghi nhận mức giảm tương tự khoảng 55%.

“Sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới. Tình hình hoạt động của các khách sạn trong quý 3 dự báo sẽ không có nhiều biến chuyển so với quý 2”, ông Mauro nói.

Còn ông Nguyễn Trọng Thức – Phó Giám đốc của CBRE Hotels Việt Nam cho hay, thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020-2021 được dự báo sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ, với tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

CBRE cũng cho biết, nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư đang săn đón những tài sản đang bị áp lực nợ với mức định giá thấp. Tuy nhiên, theo quan sát chung, thị trường khách sạn hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản như thế này ở phân khúc 4 – 5 sao, mà chủ yếu tập trung ở những phân khúc thấp hơn.

Các ông lớn khách sạn 5 sao ở Hà Nội “kêu cứu”

Mới đây, nhóm khách sạn quốc tế ở Hà Nội gửi công văn lên Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xin giãn đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 3.000 lao động từ tháng 4/2020 đến tháng 12/2020. Nguyên nhân bởi 8 khách sạn trong nhóm này các sụt giảm doanh thu từ 30% đến 90% trong năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể: khách sạn Sheraton Hà Nội doanh thu 392,963 tỷ đồng (năm 2019) còn 151,285 tỷ đồng (năm 2020 bao gồm thực tế và dự kiến); khách sạn Pullman Hà Nội: 201,387 tỷ đồng (năm 2019) còn 93,411 tỷ đồng (năm 2020); Melia Hà Nội: 479,302 tỷ đồng (năm 2019) còn 136,375 tỷ đồng (năm 2020); Intercontinental Hà Nội: 401,485 tỷ đồng (năm 2019) còn 171,424 tỷ đồng (năm 2020)…

Nguồn: CafeF

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *